Quy Trình Nghỉ Việc: Những Điều Nên Và Không Nên Làm

Sau một thời gian dài làm việc, bạn chợt nhận ra mình cần thay đổi công việc mới để nâng cấp bản thân.
Dù háo hức với những thử thách mới, bạn cũng đừng nên bỏ qua những bước căn bản trong quy trình nghỉ việc để luôn giữ được hình ảnh chuyên nghiệp và sự đánh giá tốt tại công ty cũ nhé.
Quy trình nghỉ việc diễn ra như thế nào?

Quy trình nghỉ việc cơ bản và chuẩn chỉnh nhất sẽ bao gồm 6 bước sau:
Nói chuyện với quản lý trực tiếp làm việc với bạn
Hãy bắt đầu quy trình nghỉ việc của mình bằng một cuộc trò chuyện thẳng thắn để thông báo quyết định của bạn cho sếp.
Bạn không nên bỏ qua bước này để tránh bị hiểu lầm về lý do nghỉ việc. Rất có thể người ngoài sẽ nghĩ rằng bạn có xích mích với cấp trên dẫn đến sự ra đi lặng lẽ mà không thông báo trước trong nội bộ.
Hành động này cũng thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với người quản lý của mình.
Viết đơn xin nghỉ việc
Đơn xin nghỉ việc là thứ tối cần thiết trong quy trình nghỉ việc ở tất cả các công ty. Hãy hoàn thành chúng theo mẫu mà công ty quy định sẵn; hoặc tham khảo một mẫu đơn xin nghỉ việc thường được sử dụng để đảm bảo tính chuyên nghiệp.
Bạn có thể viết đơn bằng máy tính và in ra; hoặc in khung và điền tay những thông tin trống. Phần nội dung xin nghỉ cần có đầy đủ lý do, thời gian kết thúc, bàn giao công việc cho ai sau khi trao đổi với sếp.
Chuyển đơn đến quản lý
Sau khi viết đơn xin nghỉ việc, bạn cần gửi đến quản lý để kiểm tra các thông tin và ký duyệt trước. Đảm bảo rằng bạn không nghỉ việc vì bất kỳ một sự bất tiện nào khác ngoài những thay đổi về mặt định hướng.
Chuyển đơn đến Nhân sự
Nhân sự sẽ là trung gian để giúp bạn gửi đơn đến Giám Đốc xét duyệt. Một số công ty có thể có văn hóa gặp gỡ trực tiếp với Nhân sự lần cuối để xác nhận lý do nghỉ việc của bạn là gì. Trong một vài trường hợp, họ còn có thể đưa ra những đãi ngộ hấp dẫn để giữ chân bạn. Vì vậy, hãy luôn suy nghĩ thật kỹ về mọi quyết định của mình.
Thanh lý hợp đồng
Bước tiến hành thanh lý hợp đồng trong quy trình nghỉ việc bao gồm: biên bản bàn giao công việc có đính kèm cam kết nghỉ việc; danh sách các công việc cần thực hiện trước khi nghỉ việc theo biên bản bàn giao công việc; biên bản bàn giao các công cụ, dụng cụ và thiết bị được cấp để phục vụ công việc.

Thanh toán các khoản tài chính
Sau khi đơn xin nghỉ việc và biên bản thanh lý hợp đồng được phê duyệt, việc cuối cùng bạn cần làm là trao đổi trực tiếp với bộ phận Kế toán và Nhân sự để xác minh những khoản lương, thưởng, trợ cấp liên quan, cũng như thời gian mà bạn sẽ được thanh toán những khoản đó. Hãy đảm bảo tính minh bạch và rõ ràng cho những quyền lợi của bạn.
Những việc nên làm trước khi nghỉ việc
Ngoài việc tuân thủ quy trình nghỉ việc thì giữ lối cư xử đẹp và chuyên nghiệp cũng nên được quan tâm. Điều này để đề phòng khi công ty mới muốn tham chiếu về công việc cũ của bạn, bạn vẫn sẽ nhận được sự hỗ trợ từ đồng nghiệp cũ.
Miêu tả chi tiết công việc bạn đang bàn giao
Hãy thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn với những đồng nghiệp. Nếu công việc của bạn liên quan đến nhiều bên khác nhau và có nhiều deadline khác nhau, hãy làm một file tổng hợp dưới dạng bảng. Nó nên có đầy đủ thông tin về tiến độ công việc, các mốc thời gian quan trọng, lẫn liên hệ cần thiết để đồng nghiệp tiện theo dõi khi đảm nhận.
Tiếp tục công việc
Mặc dù bạn sẽ cảm thấy rất vui và nhẹ nhõm khi chuẩn bị bắt đầu một hành trình mới, đừng quên giữ sự tập trung để những tháng ngày ngắn ngủi còn lại vẫn làm việc hiệu quả.

Sẽ tuyệt vời hơn nếu như trước khi bạn rời đi, các công việc và nhiệm vụ đều đã được hoàn thành một cách suôn sẻ.
Kết nối với đồng nghiệp
Thông thường sẽ rất hiếm khi bạn có thời gian để gặp gỡ đồng nghiệp cũ sau khi thôi việc, ngoại trừ những người thật sự thân thiết. Vì vậy, hãy tận dụng khoảng thời gian này để tạo những kỷ niệm đẹp với những cộng sự, thậm chí cố gắng giảng hòa những xích mích nếu có.
Đến ngày cuối cùng, hãy viết một email cảm ơn gửi cho người quản lý và các cộng sự của bạn; hoặc một đoạn tin nhắn chào tạm biệt trong nhóm chung. Đừng quên để lại những thông tin liên hệ để mọi người có thể giữ liên lạc nếu muốn.
Những việc không nên làm trước và sau khi nghỉ việc
Nói xấu công ty và đồng nghiệp
Có nhiều trường hợp ta quyết định ra đi vì những mâu thuẫn. Thế nhưng, dẫu là lý do gì bạn cũng không nên lấy đó làm cớ trút giận trong những ngày làm việc cuối, hay kể cả khi đã rời công ty.

Hình ảnh của bạn sẽ trở nên xấu đi rất nhiều ở một cộng đồng nào đó, khiến tài năng và những đóng góp của bạn bị lu mờ bởi những điều tiêu cực mà bạn đã làm.
Rủ rê đồng nghiệp cùng nghỉ việc
Mỗi một người sẽ có lối đi riêng trong sự nghiệp, bạn không nên đưa ra phân tích cho người khác hay lời khuyên rằng họ cũng nên nghỉ việc như bạn.
Trong trường hợp thông tin bị rò rỉ, việc cho lời khuyên của bạn sẽ bị hiểu lầm là kích động xung đột nội bộ công ty.
Chia sẻ thông tin quan trọng của công ty cũ
Nếu đã sẵn sàng bước qua một hành trình mới, thứ bạn nên đem theo là những hành trang kinh nghiệm. Không nên tiết lộ những thông tin bí mật hay mang những công việc liên quan để nói hay bàn tán ra bên ngoài.
Điều này là tối kỵ nhất trong những việc không nên làm và sẽ khiến hình ảnh của bạn bị ảnh hưởng xấu, không chỉ tại công ty cũ, mà còn có thể là ở bất kỳ môi trường làm việc nào mà bạn gia nhập sau đó.